Nguyễn Trãi Quốc Âm Từ Điển
A Dictionary of 15th Century Ancient Vietnamese
Trần Trọng Dương.

Quốc Ngữ hoặc Hán-Nôm:

Phần giải nghĩa Tuế sở kinh thì ký
thái cầu 彩毬
dt. quả cầu ngũ sắc, tên bài thơ số 253. Trần Văn Giáp (1956: 179) chú: “tên một vật bằng giấy, cắt hình chim, tức là thái yến, là con yến cắt bằng giấy, ngày lập xuân thường treo ngoài cửa. Theo Tuế sở kinh thì ký: ”ngày lập xuân, nhà nào cũng cắt giấy màu làm hình chim yến treo ở trước cửa nhà”. Vì thế có câu thơ cổ: “thái yến biểu niên xuân” (chim yến cắt bằng giấy, báo hiệu bắt đầu xuân). Xét, thái yến khác Thái cầu. Theo Bội văn vận phủ, tết Hàn thực, vua gửi thiếp vào trong quả thái cầu để trao tặng các cận thần [MQL 2001: 1196]. Dựa vào nội dung trong bài thơ có thể mô tả vật này như sau: đây là quả cầu ngũ sắc, dùng để truyền tin trong dịp xuân. Quả cầu này, có khả năng làm bằng giấy hoặc bằng lụa, gập thành tám múi, trong có giấu một tờ giấy viết tin nhắn thể hiện mong ước, nguyện vọng trong đầu năm. Dưới quả cầu có làm đuôi tua bằng vải ngũ sắc trông sặc sỡ như đuôi chim phượng. Quả cầu này có thể được treo phía dưới đèn trời, nên có khả năng bay xa, “dõi qua ngàn liễu”, “bay tịn lòng hoa”. Đến khi đèn trời tắt, quả cầu rơi xuống. Người ta đi nhặt để đọc thông tin ở phía trong quả cầu. Đây hẳn là một trò thả cầu tìm ý trong một lễ hội đầu xuân có nhiều người tham gia. Tính ngẫu nhiên của nó chính là cái thú vị của trò chơi này.